Đôi khi, cha mẹ đều nói ra những điều không nên, khiến cho con cái cảm thấy bị tổn thương, tức giận hay bối rối. Vì vậy, việc cha mẹ nên cân nhắc, xem xét những gì không nên nói, những gì nên nói là điều cần thiết đối với các bậc cha mẹ để con luôn cảm nhận được tình thương yêu, hạnh phúc khi sống dưới mái nhà.
Tôi đang cố gắng làm 2 việc cùng một lúc – vừa nấu ăn trong bếp vừa giải quyết một số giấy tờ trong phòng bên cạnh. Tôi bị gián đoạn công việc vì con muốn ăn món ăn nhẹ, những tiếng la hét của con khi sơn màu nước bị đổ ra sàn, những câu hỏi kiểu như con sóc thích ăn gì, hay tranh luận xem những đám mây có phải là màu xanh da trời và những bông hoa có thể mang màu xanh lá cây hay không.
Đầu óc tôi dường như muốn nổ tung “Đủ rồi! Đừng làm phiền mẹ nữa!”. Khuôn mặt con tôi biểu hiện tất cả. Đôi mắt của đứa con 2 tuổi mở to, trong khi đó đứa bé 4 tuổi nhíu mày, nhăn vòm trán và đặt ngón tay cái của mình giữa môi. Ngay sau đó, tôi cảm thấy hối hận và ước gì, mình có thể thu hồi lại được những gì đã nói ra. Những điều đó không hề xuất phát từ trái tim hay bộ não của tôi.
Nội dung bài viết:
Những câu nói cha mẹ làm tổn thương con:
“Để mẹ yên!”
Tiến sĩ, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ Ozark tại Arkansas, bà Suzette Haden Elgin nói rằng “Đừng làm phiền mẹ!” hay “Mẹ đang rất bận” là những câu nói có ảnh hưởng lớn đến trẻ khi bạn nói ra một cách thường xuyên. “Trẻ sẽ nghĩ rằng, chúng không cần nói chuyện với bạn bởi vì bạn đang thờ ơ chúng”. Nếu bạn làm điều này từ khi con còn nhỏ thì tự nhiên, bạn đã vô tình tạo ra khoảng cách lớn giữa bạn và con. Con sẽ ít chia sẻ với bạn về mọi thứ mà chúng gặp phải sau này.
Trong cuộc sống, có những thời điểm, bạn vô cùng bận rộn hay cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, để trở thành người cha, người mẹ tốt, bạn nên nói với con “Mẹ cần hoàn thành một việc nữa nên con ngồi yên lặng vẽ tranh một vài phút nhé! Khi mẹ xong việc, chúng ta sẽ đi ra ngoài nhé!”.

“Con thật quá…”
“Tại sao con quá keo kẹt với Katie?” “Thật là vô vọng với con” (hay “Con quá lười” hoặc “Con quá ngốc nghếch”) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ. Điều này sẽ hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong bộ não của trẻ.
Vậy nên, cách tiếp cận hợp lý nhất chính là, bạn không nên sử dụng các tính từ về tính cách của con một cách trực tiếp. Ví dụ, bạn hoàn toàn có thể nói với con rằng “Katie sẽ bị tổn thương nếu con nói với mọi người không chơi với cô ấy nữa. Chúng ta có thể làm gì để cô bé cảm thấy tốt hơn nhỉ?”.
“Đừng khóc nữa!”
“Đừng buồn!” “Không còn bé nhỏ gì nữa!”. “Bây giờ, không có gì phải sợ!”. Những đứa trẻ mới biết đi không thể hiểu được cảm xúc của mình với những từ ngữ đó. Tiến sĩ, giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ gia đình, ông Debbie Glasser chia sẻ rằng “Đó là một cách bảo vệ một đứa trẻ tránh những cảm xúc như vậy. Nhưng khi nói “Đừng…” không có nghĩa là giúp trẻ cảm thấy tốt hơn. Điều đó cũng có thể truyền đi một thông điệp rằng các trạng thái cảm xúc của trẻ không đúng, buồn hay sợ hãi chẳng có ý nghĩa gì”.
Thay vào đó, cha mẹ có thể chia sẻ với con rằng “Mẹ biết, con sẽ cảm thấy buồn khi Jason không muốn là bạn của con nữa”. “Đúng là, những khó khăn sẽ trở nên đáng sợ khi con không cố gắng vượt qua. Nhưng chúng ta sẽ luôn bên cạnh nhau và mẹ hứa mẹ sẽ không buông tay con ra đâu”.
Bằng cách nói rõ về cảm xúc của con đang có, cha mẹ sẽ giúp con tự giãi bày cảm xúc của mình và cha mẹ cũng chỉ cho con thấy rằng, đó là sự đồng cảm. Cuối cùng, con sẽ không khóc nữa và miêu tả rõ cảm xúc hiện tại của mình.

“Sao con không được như chị gái/em gái của con?”
Anh/chị em, bạn bè có thể là một tấm gương tốt cho con học theo. Bạn có thể nói với con “Nhìn cách Sam kéo khóa áo khoác kìa!”. Hay “Jenna đang sử dụng cái bô cũ, tại sao con không thể làm được như thế?”. Tuy nhiên, các phép so sánh hầu như phản tác dụng. Con bạn là con bạn, chứ không phải là Sam hay Jenna.
Các chuyên gia nói rằng, đó là điều hết sức tự nhiên khi cha mẹ so sánh con của họ với người khác.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ phát triển theo tốc độ riêng, chúng có khí chất và tính cách riêng. Vì vậy, so sánh con của bạn với đứa trẻ khác sẽ ngụ ý rằng, bạn mong con bạn không phải là chính nó.
Bị áp lực khi làm một điều gì đó mà trẻ không sẵn sàng (hoặc không thích làm) có thể làm trẻ bối rối và khiến trẻ mất đi sự tự tin của mình. Nó sẽ cảm thấy bực bội với bạn và nhất định không làm theo những gì bạn muốn.
Thay vào đó, hãy công nhận khả năng, kết quả hiện tại của con và không so sánh, bắt buộc con phải đạt được những gì mà đứa trẻ khác làm được. Hãy để con phát triển một cách tự nhiên, lành mạnh nhất!

“Dừng lại hoặc là mẹ sẽ đánh vào mông con”
Những lời dọa nạt thường là kết quả của sự thất vọng mà cha mẹ thể hiện trước mặt con. Các chuyên gia nói rằng “Cha mẹ sử dụng đòn roi chính là thể hiện sự bất lực của mình mà thôi”. Điều đó không hề có hiệu quả. Chúng ta thường hay đưa ra những lời cảnh báo như “Muốn làm cái này hay ăn đòn đây!” hay “Nếu con làm điều đó thêm một lần nữa, mẹ sẽ đánh vào đít con!”.
Với hành động này, những đứa trẻ sẽ phải mất thời gian dài để quên đi. Vì vậy, thay vì đưa ra những lời đe dọa và đánh đòn, bạn nên xây dựng các chiến lược khoa học khác như chuyển hướng, đưa con ra khỏi tình trạng hiện tại, tạo cho con sự hứng thú với điều mới.
“Nhanh lên!”
Ai trong thế giới này không thốt ra từ đó khi đang có cuộc hẹn trước mắt, khi giao thông tắc nghẽn?
Chắc chắn rằng, mỗi bậc cha mẹ đều thốt ra lời thúc giục vội vàng “Nhanh lên!” khi con chưa tìm thấy đôi giày hay cái áo, đôi tất của chúng!
Nếu bạn đang bắt đầu rên rỉ, thở dài mỗi ngày thì hãy coi chừng nhé! Một thực tế rằng, khi chúng ta vội vã làm một cái gì đó, điều này sẽ làm cho con cảm thấy có lỗi vì đã khiến chúng ta vội vàng. Trẻ sẽ cảm nhận được lỗi đó là không tốt nhưng điều đó cũng không hề thúc đẩy trẻ vươn lên phía trước.
Bác sĩ trị liệu Paul Coleman nói rằng “Tôi thực sự bận rộn ở nhà vào mỗi buổi sáng, tôi không muốn con ghi nhớ hình ảnh tôi giận dữ”. “Vì vậy, tôi tự thỏa thuận với chính mình. Không có gì quan trọng cả, tôi sẽ không kêu la hay tròn mắt, ngay cả khi ai đó làm đổ cheerios,…”. Quan trọng hơn cả là, bạn cần giữ bình tĩnh trong mọi chuyện.
“Làm tốt quá!” hoặc “Con gái giỏi quá!”
Chỉ khen ngợi những thành quả có được từ sự nỗ lực, cố gắng thực sự! Ngợi khen về hành vi ứng xử của trẻ chứ không phải khen ngợi đứa trẻ “Trong khi mẹ làm việc, con đã rất yên tĩnh, không làm ồn để chơi ghép hình, cảm ơn con!”. Nếu cha mẹ đưa ra quá nhiều lời khen ngợi con, ngay cả với những gì mà không có sự nỗ lực, cố gắng thực sự thì điều đó chẳng khác nào, bạn đang nuông chiều con quá mức, chúng sẽ ỷ nại, tự cho là mình lúc nào cũng làm đúng. Điều này có thể khiến con tự cao, tự phụ sau này.
Để trở thành cha mẹ gương mẫu, cha mẹ cần hiểu được những gì nên nói, hay không nên nói và điều chỉnh hành động, suy nghĩ của mình cho phù hợp. Con sẽ học theo những gì mà chúng nhìn thấy từ chính cha mẹ của mình, vì vậy, hãy trở thành hình mẫu lý tưởng để con học tập và noi theo.
Theo www.parenting.com
Discussion about this post